trinhj.com

Blog cá nhân của Trịnh Nguyễn

GRDP và bình quân đầu người của tỉnh Bắc Ninh qua các năm

Ở bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu một vài số liệu thống kê về GDP/GRDP và bình quân đầu người tỉnh Bắc Ninh những năm gần đây. Số liệu được Doanh Nhân Bắc Ninh trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau như Tổng cục thống kê, cục thống kê Việt Nam, Wiki và nhiều trang báo uy tín khác.

Tăng trưởng kinh tế GDP tỉnh Bắc Ninh
Quy hoạch Thành phố Bắc Ninh năng động và phát triển

Một số nét chính về tỉnh Bắc Ninh quyết định đến yếu tố GDP, GRDP

  • Kể từ năm 2015 trở lại đây thì các tỉnh, trong đó có tỉnh Bắc Ninh đã thay số liệu GDP thành GRDP theo quy định của Chính Phủ. GRDP sử dụng cho cấp địa phương, phản ánh tổng sản phẩm trên địa bàn các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Trong khi GDP thể hiện tổng sản phẩm của cả quốc gia.
  • Có một thực tế nữa là số liệu tăng trưởng GDP/GRDP của tỉnh Bắc Ninh cũng như các tỉnh khác ở Việt Nam thường bị tính với sai số lớn và lệch nhiều so với GDP của Quốc Gia. Vì vậy những số liệu GDP của Bắc Ninh những năm gần đây chỉ mang tính tham khảo. Từ năm 2017 trở đi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) biên soạn và công bố số liệu GRDP; các cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thu thập thông tin đầu vào trên địa bàn báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê). Như vậy số liệu GDP của tỉnh Bắc Ninh từ năm 2017 trở đi có thể sẽ có sự chênh lệch với các năm trước đó.
  • Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam (823,1 km²) thuộc đồng bằng sông Hồng và nằm trên Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Bắc Ninh tiếp giáp với vùng trung du Bắc bộ tại tỉnh Bắc Giang. Thành phố Bắc Ninh nằm cách trung tâm Hà Nội 30 km về phía đông bắc. phía tây và tây nam giáp thủ đô Hà Nội, phía bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía đông và đông nam giáp tỉnh Hải Dương, phía nam giáp tỉnh Hưng Yên. Trong quy hoạch xây dựng, tỉnh Bắc thuộc vùng Thủ đô. Ngoài ra, Bắc Ninh còn nằm trên 2 hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Tỉnh Bắc Ninh còn có thuận lợi lớn về giao thông thì có nhiều tuyến quốc lộ chạy qua (QL1, 18, 38, 282…) kết nối thuận lợi với Sân bay Nội Bài, Hà Nội, cảng Hải Phòng, Cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn, đi phía Nam…
  • Tỉnh Bắc Ninh nổi lên là một tỉnh Công Nghiệp phát triển của phía Bắc với 15 khu công nghiệp (KCN) tập trung, 1 khu công nghệ thông tin và hơn 30 cụm công nghiệp. Tổng diện tích 6.847 ha (chưa tính các KCN đang tiếp tục mở rộng); với tổng diện tích đất công nghiệp được quy hoạch cho thuê 2.138,53 ha, diện tích đã thu hồi 1.682,95 ha, đã cho thuê 1.259,81 ha; tỷ lệ lấp đầy trên diện tích quy hoạch đạt 58,91%; tỷ lệ lấp đầy trên diện tích thu hồi đạt 74,86%. Cùng với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là rất nhiều làng nghề truyền thống có tiếng như Gỗ Đồng Kỵ, Đúc đồng Đại Bái…
  • Kinh tế Bắc Ninh thực sự có bước đột phá lớn từ năm 2010 trở lại đây khi thu hút được một loạt các tập đoàn lớn đầu tư và đi vào hoạt động như SamSung, Nokia (nay là Microsoft), Foxconn… Tuy nhiên cùng với đó là sự “phát triển lệch” khi các doanh nghiệp trong nước trở nên quá nhỏ và mất cân đối.
  • Dân số tỉnh Bắc Ninh là 1,131 triệu người theo số liệu thống kê năm 2014. Đây sẽ là căn cứ để tính toán GDP hoặc GRDP bình quân trên đầu người.

 

Số liệu GRDP và GRDP bình quân đầu người tỉnh Bắc Ninh năm 2016

Năm tài chính 2016 hiện chưa kết thúc nên chưa có số liệu chính thức. Chúng tôi sẽ cập nhật đến các bạn khi có số liệu công bố mới nhất.

Theo Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) năm 2016 trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 – 2020. Tỉnh Bắc Ninh đã đề ra một số chỉ tiêu phát triển KTXH chủ yếu cho năm 2016 như sau.

Mục tiêu đề ra năm 2016

– Tổng sản phẩm (GDP) của tỉnh năm 2016 tăng 9,2% – 10,2%; Cơ cấu Công nghiệp – xây dựng 76%; Dịch vụ 19%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 5%.

– Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2016 phấn đấu đạt 16.264 tỷ đồng, tăng 15,6%.

– Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 14,9%.

– Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 14,9%.

– Kim ngạch xuất khẩu tỉnh Bắc Ninh 2016 phấn đấu đạt 25 tỷ USD, tăng 6,7%.

– Trên 50 xã và 2 đơn vị cấp huyện là Tiên Du, thị xã Từ Sơn đạt chuẩn nông thôn mới.

 

GRDP và GRDP bình quần đầu người tỉnh Bắc Ninh năm 2015

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2015 (GRDP) theo giá so sánh 2010 ước đạt 101.613 tỷ đồng, tăng 8,7%so với năm 2014. Mặc dù, những tháng đầu năm tăng trưởng thấp nhưng sự phục hồi của khu vực FDI và có thêm một số nhân tố mới ở ngành công nghiệp nên kinh tế 6 tháng cuối năm 2015 của Bắc Ninh đã đạt tốc độ tăng khá cao.

Năm 2015, quy mô GRDP của tỉnh Bắc Ninh là 122,5 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 6 cả nước; GRDP bình quân đầu người tỉnh Bắc Ninh năm 2015 đạt 5.192 USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Năm 2015, tỷ trọng của ngành công nghiệp, xây dựng ước đạt 74,3%, dịch vụ 20,5%, nông nghiệp đạt 5,2%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 14.300 tỷ đồng, tăng bình quân 18,6%/năm.  Vốn FDI đầu tư thực hiện vào Bắc Ninh trong năm ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014; giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi cả năm ước đạt 3,7 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu tỉnh Bắc Ninh 2015 ước đạt 162,44 tỷ USD, tăng 8,1%, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 165,6 tỷ đồng, tăng 12%.

Như vậy tính tổng thể thì tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đã đạt xấp xỉ 95%. Bắc Ninh tiếp tục trở thành một tỉnh có sự phát triển công nghiệp hóa rất ấn tượng.

Cụ thể từng lĩnh vực như sau

Khu vực công nghiệp – xây dựng: GTSX (giá so sánh 2010) cả năm 2015 ước đạt 610.994 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2014. Trong đó, khu vực FDI đạt 562.224 tỷ đồng, chiếm 92% và tăng 10,6%; GTSX ngành xây dựng đạt 18.724 tỷ đồng, tăng 13,4%. Vì thế, giá trị tăng thêm của khu vực CN-XD đạt 77.540 tỷ đồng, tăng 9,3% so năm 2014 và đóng góp 7,08 điểm phần trăm trong tăng trưởng của tỉnh. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 9,2% và đóng góp 6,65 điểm phần trăm.

Ở khu vực dịch vụ, giá cả hàng hoá và dịch vụ tăng thấp, thậm trí có loại còn giảm so với năm trước; nhiều loại dịch vụ phục vụ cho các DN trong KCN, nhất là DN FDI đã được các DN và cơ sở cá thể trong tỉnh khai thác và cung ứng đầy đủ; việc làm của người lao động ổn định, thu nhập của dân cư tăng 15,5% (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 14,5%); tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng 14,8% (nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 13,1%), mức lưu chuyển hàng hóa bán buôn cũng tăng cao (+13,9%) nên tăng trưởng của ngành bán buôn, bán lẻ đạt 12,9%; dịch ụ lưu trú và ăn uống tăng 12,3%; thị trường bất động sản có dấu hiệu tích cực hơn, mức tăng trưởng đạt 8,7%; hoạt động vận tải kho bãi, tài chính ngân hàng phục vụ tốt cho hoạt động SXKD, mức tăng trưởng đạt khá (+11,8% và +9%). Thu ngân sách trên địa bàn tăng cao, chính sách an sinh xã hội được coi trọng nên các ngành hưởng lương ngân sách Nhà nước tăng trưởng ổn định: Hoạt động Đảng, QLNN, ANQP tăng 6,6%; giáo dục – đào tạo tăng 5,7%; y tế tăng 5,5%. Bên cạnh đó, thu nội địa tăng cao (+16,3%) và thu hải quan ổn định (+5%) nên thu các loại thuế sản phẩm tăng 6,1%. Tính chung, khu vực này đạt mức tăng trưởng 8,6% và đóng góp 1,61 điểm phần trăm tăng trưởng.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp được thực hiện có hiệu quả, lại không có thiên tai, dịch bệnh nên cả hai vụ lúa được mùa. Năng suất lúa cả năm ước đạt 62 tạ/ha, tăng 1,6 tạ so năm 2014; sản lượng thóc đạt 463,2 nghìn tấn, tăng 6,2 nghìn tấn; các cây rau màu có giá trị kinh tế tiếp tục được đầu tư mở rộng, năng suất và sản lượng cũng tăng khá nên GTSX trồng trọt cả năm đạt 3.527 tỷ đồng, tăng 1,2%. Trong chăn nuôi, dịch bệnh được kiểm soát, tổng đàn gia súc, gia cầm ổn định nên vẫn duy trì mức tăng trưởng dương (+0,8%). Thủy sản, ổn định về diện tích và sản lượng, GTSX tăng 1,1%. Tính chung, giá trị sản xuất của khu vực này cả năm 2015 ước đạt 8.468 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2014; giá trị tăng thêm ước đạt 5.102,5 tỷ đồng, tăng 1% và đóng góp 0,06 điểm phần trăm tăng trưởng.

 

GDP và GDP bình quân đầu người tỉnh Bắc Ninh năm 2014

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (GRDP) năm 2014 ước tăng 0,2% (giá so sánh 2010) so với năm 2013; trong đó, khu vực dịch vụ tăng 6,1%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,3%.

Đặc biệt, sản xuất công nghiệp có sự biến động mạnh. Do khu vực FDI, nhất là Công ty Samsung giảm mạnh nên giá trị sản xuất công nghiệp (giá ss 2010) cả năm ước 576.754 tỷ đồng, đạt 78,5% KH năm và giảm 4,9% so năm 2013; trong đó, khu vực FDI giảm 5,5%, khu vực kinh tế trong nước từng bước vượt qua khó khăn, tăng 1,3%.

Do kết quả thực hiện sản xuất năm 2013 sau quyết toán cao hơn so với dự báo cuối năm 2013. Khu vực FDI năm 2013 đã sản xuất ở mức cao so với công suất thiết kế và khả năng tiêu thụ của doanh nghiệp, kế hoạch sản xuất năm 2014 thấp hơn năm 2013 và chi phối chủ yếu tốc độ tăng trưởng hiện tại chưa xuất hiện nhân tố mới; giá trị sản xuất của khu vực này giảm 5,5% so với năm 2013; Dự án đầu tư mở rộng của Samsung giai đoạn 3 đã giải ngân ở những tháng cuối năm 2013 nên năm 2014 thực hiện giải ngân thấp.

Hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước mặc dù tăng trưởng ổn định hơn nhưng còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động và bỏ địa điểm kinh doanh có giảm nhưng vẫn còn 734 doanh nghiệp dẫn đến giá trị sản xuất của khu vực này tiếp tục còn nhỏ, nên chỉ đóng góp được một phần nhỏ trong tăng trưởng của khu vực công nghiệp. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6.256/7.358 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký còn hoạt động (chiếm 85%).

 

GDP/GRDP và tính bình quân đầu người tỉnh Bắc Ninh năm 2013

Kinh tế Bắc Ninh năm 2013 phát triển tương đối ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 1994 vẫn ước tăng 10,2% so với năm 2012. Tính theo giá hiện hành, GRDP/Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,2 triệu đồng/người/năm, tương đương 3.243 USD. Nếu loại trừ yếu tố nước ngoài, GRDP bình quân đầu người tỉnh Bắc Ninh năm 2013 là 44,7 triệu đồng, tương đương 2.120 USD.

Năm 2013, với kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh đạt 25,2 tỷ USD tăng mạnh 67,8% so với năm 2012, Bắc Ninh đã giữ vị trí đứng đầu về xuất khẩu của khu vực đồng bằng sông Hồng và vị trí thứ 2 cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh, xuất khẩu Bắc Ninh chiếm tới 19% giá trị xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, mặc dù xuất khẩu khu vực FDI phát triển mạnh, đã giải quyết nhiều việc làm cho người lao động nhưng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chưa nhiều do chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp; nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài do ngành công nghiệp phụ trợ còn quá yếu.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng nhanh (tăng 61,1%), là đầu tầu tăng trưởng kinh tế. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định với tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản từ 7,5% năm 2012 giảm xuống còn 6% năm 2013; thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển; hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh, môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi. Thu ngân sách nhà nước tăng 22,1% và đạt gần 12 nghìn tỷ đồng, cân đối được thu chi.

Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước thì đây là những kết quả rất đáng phấn khởi, khẳng định sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm cao của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh Bắc Ninh.

 

GDP và GDP bình quân đầu người tỉnh Bắc Ninh năm 2012

Đến hết năm 2012, tổng sản phẩm (GDP) trong tỉnh Bắc Ninh vẫn ước đạt 13.607 tỷ đồng (giá CĐ 1994), tăng 12,3% so năm 2011 (cao thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 9 toàn quốc). Thu nhập bình  quân đầu người tăng 20,7% so năm 2011. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng CNH: tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 77,8%; dịch vụ 16,6%; nông nghiệp còn 5,6%. GDP bình quân đầu người đạt 67,4 triệu đồng/năm (tương đương 3.211 USD).

– Công nghiệp là điểm sáng nhất và là động lực quan trọng nhất trong sự phát triển kinh tế của Bắc Ninh trong những năm vừa qua. Khi tách tỉnh, Bắc Ninh là một tỉnh thuần nông với nền công nghiệp không đáng kể đa phần là làng nghề. Tuy nhiên hết năm 2012, Bắc Ninh là tỉnh có quy mô công nghiệp lớn thứ 5 cả nước, thứ 2 miền Bắc và luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước trong nhiều năm qua. Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 84.884 tỷ đồng (CĐ1994) bằng 60% công nghiệp Bình Dương, là tỉnh có quy mô công nghiệp lớn thứ 2 cả nước. Và nhiều khả năng năm 2013, Công nghiệp Bắc Ninh sẽ gia nhập CLB 100.000 tỷ muộn hơn 3 năm so với Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương. Động lực cho tăng trưởng công nghiệp của Bắc Ninh tập trung ở các doanh nghiệp công nghệ cao như SamSung, Canon …

– Xuất khẩu là điểm sáng trong sự phát triển vươt bậc của kinh tế Bắc Ninh và đã để lại những con số rất ấn tượng. Xuất khẩu giai đoạn 2001-2010 tăng trung bình là 47,91%/năm cá biệt giai đoạn 2005-2010 tăng tới 90,92%/năm (trong khi cả nước là 17,43%/năm). Năm 2011, Giá trị xuất khẩu Bắc Ninh đạt 7,441 tỷ USD một con số kỷ lục và vươn lên vị trí số 2 miền Bắc sau Hà Nội. Tuy nhiên đến năm 2012, giá trị xuất khẩu của Bắc Ninh đạt 13,7 tỷ USD đã đưa Bắc Ninh trở thành địa phương xuất khẩu lớn nhất miền Bắc, thứ 2 cả nước sau TP.HCM , xuất khẩu Bắc Ninh chiếm tới 12% giá trị xuất khẩu của cả nước.

– Thu ngân sách của Bắc Ninh cũng liên tục tăng trưởng ngoạn mục và đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh nộp ngân sách lớn thứ 12 cả nước. Năm 2010, Bắc Ninh vào CLB 5000 tỷ và đến năm 2011 con số này là 6800 tỷ, đưa Bắc Ninh lần đầu tiên có khả năng tự cân đối ngân sách và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Năm 2012 Bắc Ninh đã đạt tới 9.068,5 tỷ đồng, vượt 20,6% dự toán và tăng 25,7% so với năm 2011 (là 1 trong 10 tỉnh của cả nước có tăng thu ngân sách vượt dự toán).

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 23.457 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2011.

 

GDP và GDP bình quân đầu người tỉnh Bắc Ninh năm 2011

Năm 2011, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tăng 16,24%,  là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước (kế hoạch đặt ra là 16 – 17%). Năm 2010, GDP Bắc Ninh tăng 17,86%.

Giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Ninh năm 2011 ước đạt trên 59.700 tỷ đồng, vượt 9.700 tỷ đồng so với kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,68 tỷ USD, vượt 180 triệu USD so với kế hoạch; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 6.800 tỷ đồng.

Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tỉnh Bắc Ninh năm 2012 là 83.685 tỷ đồng, tăng 33% so với ước thực hiện 2011; giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản là 2.712 tỷ đồng, tăng 5%, sản lượng lương thực có hạt 458 nghìn tấn.

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt 28.548 tỷ đồng, tăng 20%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn 9.500 triệu USD, tăng 2 lần so với năm 2011; Nhập khẩu 9.027 triệu USD, tăng 2,1 lần so với năm 2011

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt 7.522 tỷ đồng, tăng 114,1% so với ước thực hiện năm 2011, đưa Bắc Ninh lần đầu tiên có khả năng tự cân đối ngân sách và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

GDP và GDP bình quân đầu người tỉnh Bắc Ninh năm 2010

Năm 2010 tăng trưởng kinh tế GDP của tỉnh Bắc Ninh đạt tới 17.86% (cao nhất từ trước tới nay của tỉnh). Năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt 1.800USD vượt 38% mục tiêu Đại hội. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 20,4 triệu đồng, trong đó nông thôn 16,4 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng của ngành công nghiệp, xây dựng năm 2010 ước đạt 64,8%, dịch vụ 24,2%, nông nghiệp đạt 11%. Đầu tư cho phát triển được đẩy mạnh, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội.

 

(đang tiếp tục cập nhật…)

Nguồn: Trịnh Nguyễn – DoanhnhanBacNinh.net