Tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam qua các năm (1981-2021)
TRINHJ.com xin giới thiệu đến quý độc giả số liệu thống kê tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (tỷ lệ tăng GDP) qua các năm. Số liệu được chúng tôi trích từ những nguồn rất uy tín là Quỹ tiền tệ quốc tế và Tổng cục thống kê Việt Nam.
Tỷ lệ tăng tưởng kinh tế GDP của Việt Nam qua các năm
Theo số liệu mà chúng tôi có thì khá đầy đủ, suốt từ những năm 1980 đến năm 2015 mới nhất vừa qua. Mời quý vị xem tổng quan về Biểu đồ tăng tưởng kinh tế của Việt Nam qua các năm dưới đây:
Biểu đồ trên thể hiện tăng trưởng GDP của Việt Nam trong suốt hơn 40 năm qua, từ 1981 đến nay. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 6,56%/năm. Nhìn vào biểu đồ ta cũng có thể thấy khá rõ chu kỳ tăng trưởng mạnh và những điểm giảm sâu.
Đỉnh cao nhất của biểu đồ tăng trưởng là năm 1995 với tỷ lệ tăng đạt 9,5%. Và ngược lại, những năm 1986-1987 là năm có tỷ lệ tăng trưởng GDP rất thấp, tương ứng chỉ 3,4% và 2,5% – đây cũng là năm đánh dấu sự kiện mở cửa nền kinh tế (Đại Hội Đảng VI). Mức tăng trưởng thấp này được lặp lại vào năm 2020 (2,91%) và 2021 (2,58%) do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19. Xen giữa đó nước ta cũng có những thời kỳ tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại như giai đoạn 1997-1999 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế Châu Á…
Cụ thể tỷ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam qua các năm như sau:
Dưới đây là số liệu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam qua các năm. Chúng tôi sắp xếp theo thứ tự từ hiện tại lùi dần về trước đó.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022: 6,65%
- Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 là 6,5%.
- Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 là 7,9%.
- Ngân hàng Thế Giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 là 5,3%, kịch bản xấu hơn còn 4,4%.
- United Overseas Bank (UOB) có trụ sở tại Singapore dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 là 6,8%.
- VinaCapital dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 là 6,5%.
- IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 là 5,1%.
- Mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Chính phủ năm 2022: khoảng 6 – 6,5%
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021: 2,58%
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2,58% thì năm 2021 là năm có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm trở lại đây. Tuy nhiên, trải qua năm thứ 2 chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cũng là năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, thì tốc độ tăng trưởng 2,58% cũng là con số rất đáng kích lệ. Điều này có được là nhờ sự nỗ lực cố gắng chung của cả nền kinh tế, đặc biệt là sự phục hồi tăng trưởng mạnh trong quý IV kéo lại. Quan trọng hơn cả là chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, thích ứng an toàn và dần mở cửa nền kinh tế, hứa hẹn một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ hơn cho các năm tiếp theo.
Đóng góp chung vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế năm 2021 thì khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97%.
Năm 2021 tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm 2021 đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 9,2% – tuy nhiên vốn FDI thực hiện năm 2021 ước đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam năm 2021. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 đạt 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Đây là con số kỷ lục chưa từng có của nước ta, qua đó chính thức đưa Việt Nam vào danh sách 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, kim ngạch nhập khẩu đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5%. Tính chung cả năm 2021 xuất siêu đạt 4,08 tỷ USD (con số này hơi khiêm tốn so với năm 2020 khi chúng ta xuất siêu kỷ lục hơn 20 tỷ USD).
Xem thêm: Số liệu chi tiết kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các năm
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020: 2,91%
Với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ đạt 2,91%, một con số rất khiêm tốn khi so sánh với các năm trước đó hay suốt hành trình từ 1981 trở lại đây. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khởi phát và hoành hành khắp thế giới thì đây là một kết quả hết sức ấn tượng. Cần nhớ rằng chúng ta là một trong rất ít quốc gia trên thế giới và 1 trong 3 quốc gia ở Châu Á (cùng Myanma, Trung Quốc) có tăng trưởng dương.
Với kết quả nay, quy mô nền kinh tế nước ta đạt hơn 343 tỷ USD, vượt qua 2 quốc gia là Singapore 337,5 tỷ USD và Malaysia 336,3 tỷ USD, chính thức đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 ở Đông Nam Á (Sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD, Thái Lan 509,2 tỷ USD, Philippine 367,4 tỷ USD). Các bạn hãy dự đoán xem chúng ta sẽ vượt qua Philippine và Thái Lan khi nào nhe? 😀
Đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của nền kinh tế thì khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 3,98%, đóng góp 1,62 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%, đóng góp 1,25 điểm phần trăm.
Đối với khu vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 1,2% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, nhưng sau đó đã phục hồi rõ rệt với tốc độ tăng 6 tháng cuối năm đạt 6,2%, đưa lĩnh vực thương mại trong nước cả năm tăng 2,6%. Tốc độ tăng trưởng của một số ngành dịch vụ thị trường như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,53% so với năm trước, đóng góp 0,61 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,87%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 1,88%, làm giảm 0,06 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 14,68%, làm giảm 0,62 điểm phần trăm.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng 2,68%, cao hơn năm 2019 (2,01%). Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,55%; ngành lâm nghiệp tăng 2,82% và ngành thủy sản tăng 3,08%. Đặc biệt, kết quả xuất khẩu nông sản tăng mạnh trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu gạo lần đầu tiên đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2019; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12.323,3 tỷ USD, tăng 15,7%. Trái ngược với ngành lâm sản, bức tranh xuất khẩu thủy sản lại ảm đạm hơn khi kim ngạch xuất khẩu năm 2020 chỉ đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2019.
Một điểm sáng lớn trong nền kinh tế Việt Nam năm 2020 đó là lĩnh vực xuất khẩu, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 542,75 tỷ USD. Trong đó giá trị xuất khẩu đạt 281,441 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt 261,309 tỷ USD. Thặng dư thương mại đạt kỷ lục hơn 20 tỷ USD. (Xem thêm: Kim ngạch xuất nhập khẩu VN qua các năm).
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%. Trong đó cụ thể: Quý I tăng 6,82%, quý II tăng 6,73%; quý III tăng 7,48%; quý IV tăng 6,97%. 2019 là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, xét cụ thể từng ngành/lĩnh vực như sau:
- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung;
- Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%;
- Khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.
Động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 là tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).
Về cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% (Cơ cấu tương ứng của năm 2018 là: 14,68%; 34,23%; 41,12%; 9,97%).
Trên góc độ sử dụng GDP năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,23% so với năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,91%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,35%.
Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năm 2019 đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn
2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao.
Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,97 năm 2018; năm 2019 ước tính đạt 6,07. Bình quân giai đoạn 2016-2019 hệ số ICOR đạt 6,14, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2019 ước tính đạt 516,96 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng cao 17,7%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (4,2%). Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD.
- Xuất khẩu hàng hóa: Cả năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ước tính đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,10 tỷ USD, tăng 17,7%, chiếm 31,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,35 tỷ USD, tăng 4,2%, chiếm 68,8% (tỷ trọng giảm 2,5 điểm phần trăm so với năm trước). Trong năm 2019 có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,4%).
- Nhập khẩu hàng hóa: Tính chung năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam ước tính đạt 253,51 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 108,01 tỷ USD, tăng 13,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 145,50 tỷ USD, tăng 2,5%. Trong năm 2019 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 45,8%).
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm.
Tính chung năm 2019, cả nước có 138,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.730,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.254,4 nghìn lao động, tăng 5,2% về số doanh nghiệp, tăng 17,1% về vốn đăng ký và tăng 13,3% về số lao động so với năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước. Nếu tính cả 2.273 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 40,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 là 4.003,2 nghìn tỷ đồng.
Nguồn: Tổng cục thống kê
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018
Theo tổng cục thống kê, GDP cả năm 2018 của Việt Nam tăng trưởng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu 6,7% đặt ra là kết quả sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2018, mức tăng cụ thể của một các ngành như sau:
- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung;
- Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%;
- Khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,17% so với năm 2017; tích lũy tài sản tăng 8,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,81%.
Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng khá. GDP Việt Nam theo giá hiện hành năm 2018 đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần quy mô GDP năm 2011. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.
Cơ cấu kinh tế của Việt Nam 2018 tiếp tục chuyển dịch tích cực theo xu hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,57% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,28%; khu vực dịch vụ chiếm 41,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,98%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 ước tính đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017 (vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng 7%-8% và Nghị quyết 01 của Chính phủ là tăng 8%-10%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,2 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,5 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2017). Năm 2018, khu vực kinh tế trong nước chuyển biến tích cực khi đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên so với năm 2017. Trong năm 2018 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,3%.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu năm 2018 ước tính đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước, trong đó có36 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 90,4% tổng kim ngạch, trong đó có 4 mặt hàng trên 10 tỷ USD.
Ước tính cả năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa thiết lập mức kỷ lục mới với 482,2 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,2 tỷ USD, là năm có giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay, cao hơn rất nhiều mức xuất siêu 2,1 tỷ USD của năm 2017, vượt xa mục tiêu Quốc hội đề ra là tỷ lệ nhập siêu dưới 3%.
rong năm 2018, cả nước có 131,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm nay là 3.886,9 nghìn tỷ đồng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2018 giảm 0,25% so với tháng trước; CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra; CPI tháng 12/2018 tăng 2,98% so với tháng 12/2017.
Lạm phát cơ bản tháng 12/2018 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 tăng 1,48% so với bình quân năm 2017.
Nguồn: Tổng cục thống kê
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, trong đó:
- Quý I tăng 5,15%
- Quý II tăng 6,28%
- Quý III tăng 7,46%
- Quý IV tăng 7,65%.
Mức tăng trưởng năm 2017 vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.
Trong mức tăng trưởng 6,81% của toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,00%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54% do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành lâm nghiệp tăng 5,14%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Ngành nông nghiệp tăng 2,07% (năm 2016 tăng 0,72%), đóng góp 0,24 điểm phần trăm, cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2016, xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85%, cao hơn mức tăng 7,06% của năm 2016, đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 14,40% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây), đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,33 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,10%, làm giảm 0,54 điểm phần trăm của mức tăng chung, đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây, chủ yếu do sản lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,6 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 38 triệu tấn, giảm hơn 180 nghìn tấn. Ngành xây dựng duy trì tăng trưởng khá với tốc độ 8,70%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ đạt mức tăng 8,36% so với năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung (0,79 điểm phần trăm); dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức tăng trưởng khá cao 8,98% so với mức tăng 6,70% của năm 2016, đóng góp 0,33 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,14% (mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây), đóng góp 0,46 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,07% (mức tăng cao nhất kể từ năm 2011), đóng góp 0,21 điểm phần trăm.
Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người năm 2017 ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2017, cụ thể các ngành và lĩnh vực như sau:
- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,34%
- Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%
- Khu vực dịch vụ chiếm 41,32%
- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,00%
(Cơ cấu tương ứng của năm 2016 là: 16,32%; 32,72%; 40,92%; 10,04%).
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2017, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,35% so với năm 2016, đóng góp 5,52 điểm phần trăm (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 5,04 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 9,8%, đóng góp 3,30 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/12/2016 cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21%. Mức tăng này thấp hơn 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu đề ra là 6,7%. Tuy nhiên nếu xét trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2016 không thuận, giá cả và thương mại toàn cầu giảm, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp, đây cũng là năm chuyển giao thế hệ lãnh đạo… thì việc đạt được mức tăng trưởng như trên là cũng là một thành công.
Cụ thể, GDP quý I năm 2016 tăng 5,48%, quý II tăng 5,78%, quý III tăng 6,56%, quý IV tăng 6,68%.
- Trong mức tăng 6,21% của toàn nền kinh tếViệt Nam năm 2016, khu vực nông – lâm – thuỷ sản tăng 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011.
Ở khu vực này, lâm nghiệp có mức tăng cao nhất với 6,11% nhưng do chiếm tỷ trọng thấp.
Ngành nông nghiệp với quy mô lớn nhất trong khu vực (khoảng 75%) vì thế chỉ tăng thấp, ở mức 0,72% đóng góp 0,09 điểm phần trăm. Ngành thuỷ sản tăng 2,8% đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Nguyên nhân khiến cho khu vực này tăng trưởng bị chững lại là do diễn biến bất lợi của thời tiết và sự cố môi trường biển hồi cuối tháng 4 tại các vùng biển Bắc Trung Bộ gây ảnh hưởng lớn.
- Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2016 tăng 7,57%, thấp hơn mức tăng 9,64% của năm trước, đóng góp 2,59 điểm phần trăm. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao 11,9% đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 1,83 điểm phần trăm.
Ngành khai khoáng năm nay giảm tới 4% đã làm giảm 0,33 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung, đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây.
Nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu thế giới giảm khiến lượng dầu thô khai thác được giảm hơn 1,67 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ được 39,6 triệu tấn, giảm hơn 1,26 triệu tấn. Còn ngành xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 10%.
- Khu vực dịch vụ năm 2016 tăng 6,98%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm. Một số ngành như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt mức tăng 8,28% so với năm 2015, đóng góp 0,77 điểm phần trăm.
Về quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, cho biết: Tính theo giá hiện hành quy mô nền kinh tế năm 2016 đạt 4.502,7 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015. Về cơ cấu nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,72%; khu vực dịch vụ chiếm 40,92%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04% (Cơ cấu tương ứng của năm 2015 là: 17,00%; 33,25%; 39,73%; 10,02%).
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2016, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,32% so với năm 2015, đóng góp 5,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 4,81 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 9,71%, đóng góp 3,08 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,16 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Trích các nguồn: TCTK, Vietnamnet, sputniknews
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2015
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, trong đó quý I tăng 6,12%; quý II tăng 6,47%; quý III tăng 6,87%; quý IV tăng 7,01%. Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2015 cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2014, cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét. Trong mức tăng trưởng kinh tế 6,68% của toàn nền kinh tế thì, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41%, thấp hơn mức 3,44% của năm 2014, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước, đóng góp 3,2 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm.
Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2015 theo giá hiện hành đạt 4192,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2109 USD/người, tăng 57 USD so với năm 2014.
Cơ cấu nền kinh tế Việt Nam năm 2015 tiếp tục có sự chuyển dịch nhưng tốc độ chậm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,00%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,25%; khu vực dịch vụ chiếm 39,73% (thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 10,02%). Cơ cấu tương ứng của năm 2014 là: 17,70%; 33,21%; 39,04% (thuế là 10,05%).
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2014
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 của Việt Nam ước tính tăng 5,98% so với năm 2013, trong đó quý I tăng 5,06%; quý II tăng 5,34%; quý III tăng 6,07%; quý IV tăng 6,96%. Mức tăng trưởng năm 2014 cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.
Trong mức tăng trưởng GDP 5,98% của toàn nền kinh tế năm 2014, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013, đóng góp 0,61 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,14%, cao hơn nhiều mức tăng 5,43% của năm 2013, đóng góp 2,75 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,96%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm.
Cơ cấu nền kinh tế năm 2014 của Việt Nam tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,12% trong tổng nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,50%; khu vực dịch vụ chiếm 43,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2013 là: 18,38%; 38,31%; 43,31%).
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2013
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012, trong đó quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%; quý IV tăng 6,04%. Mức tăng trưởng năm 2013 tuy thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi. Trong bối cảnh kinh tế thế giới những năm có nhiều bất ổn, sản xuất trong nước gặp khó khăn, lạm phát tăng cao, Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp thực hiện ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên đây là mức tăng hợp lý, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành.
Trong mức tăng trưởng GDP 5,42% của toàn nền kinh tế năm 2013, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,67%, xấp xỉ mức tăng năm trước, đóng góp 0,48 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,43%, thấp hơn mức tăng 5,75% của năm trước, đóng góp 2,09 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,56%, cao hơn mức tăng 5,9% của năm 2012, đóng góp 2,85 điểm phần trăm.
Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2013, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,3% và khu vực dịch vụ chiếm 43,3% (Năm 2012 các tỷ trọng tương ứng là: 19,7%; 38,6% và 41,7%).
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2012
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2012 tính theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 5,03% so với năm 2011, trong đó quý I tăng 4,64%; quý II tăng 4,80%; quý III tăng 5,05%; quý IV tăng 5,44%. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2012 tuy thấp hơn mức tăng 5,89% của năm 2011 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng như vậy là hợp lý và thể hiện xu hướng cải thiện qua từng quý, khẳng định tính kịp thời, đúng đắn và hiệu quả của các biện pháp và giải pháp thực hiện của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Đóng góp vào mức tăng trưởng 5,03% chung của toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2012 thì, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,42%, đóng góp 2,7 điểm phần trăm.
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2011
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2011 ước tính tăng 5,89% so với năm 2010, tuy thấp hơn mức tăng 6,78% của năm 2010 nhưng trong điều kiện tình hình sản xuất rất khó khăn và cả nước tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng trưởng trên là khá cao và hợp lý.
Tổng sản phẩm trong nước tăng đều trong cả ba khu vực và một lần nữa lại thể hiện rõ tính trụ đỡ của khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. So với cùng kỳ năm trước, tổng sản phẩm trong nước quý I tăng 5,57%; quý II tăng 5,68%; quý III tăng 6,07% và quý IV tăng 6,10%. Trong 5,89% tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4%, đóng góp 0,66 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,53%, đóng góp 2,32 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ tăng 6,99%, đóng góp 2,91 điểm phần trăm. Kết quả trên khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2010
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2010 ước tính tăng 6,78% so với năm 2009, trong đó quý I tăng 5,84%; quý II tăng 6,44%; quý III tăng 7,18% và quý IV tăng 7,34%. Đây là mức tăng khá cao so với mức tăng 6,31% của năm 2008 và cao hơn hẳn mức 5,32% của năm 2009, vượt mục tiêu đề ra 6,5%.
Đóng góp vào mức GDP 6,78% tăng chung của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2010 thì, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,78%, đóng góp 0,47 điểm phần trăm; công nghiệp, xây dựng tăng 7,7%, đóng góp 3,20 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ tăng 7,52%, đóng góp 3,11 điểm phần trăm. Kết quả trên khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, phù hợp và hiệu quả của các biện pháp và giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô được Chính phủ ban hành và chỉ đạo quyết liệt các các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2009
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GPD của Việt Nam trong quý I/2009 chỉ đạt 3,14%, là quý có tốc độ tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây; nhưng quý II, quý III và quý IV của năm 2009, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đã nâng dần lên lần lượt là 4,46%; 6,04% và 6,9%. Tính chung cả năm 2009, tổng sản phẩm trong nước GDP của Việt Nam tăng 5,32% so với năm 2008.
Đóng góp vào mức tăng 5,32% của GDP năm 2009 thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,83%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,52%; khu vực dịch vụ tăng 6,63%.
Nhìn vào tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GDP của Việt Nam quý I và quý II năm 2009 thấp hơn tốc độ tăng của quý I và quý II năm 2008; nhưng quý III/2009 tăng 6,04%, cao hơn tốc độ tăng 5,98% của quý III/2008 và quý IV/2009 tăng 6,9%, cao hơn tốc độ tăng 5,89% của quý IV/2008 cho thấy nền kinh tế nước ta đã vượt qua thời kỳ suy giảm tốc độ tăng trưởng, chứng tỏ các chính sách, giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế của Chính phủ đề ra, được triển khai trong năm vừa qua phù hợp với tình hình thực tế, đã và đang phát huy hiệu quả.
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2008 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 6,23% so với năm 2007.
Trong đó, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,33%; khu vực dịch vụ tăng 7,2%. Trong 6,23% tăng trưởng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,68 điểm phần trăm; công nghiệp, xây dựng đóng góp 2,65 điểm phần trăm và dịch vụ đóng góp 2,9 điểm phần trăm.
Tỷ trọng các ngành kinh tế trong tổng GDP của Việt Nam năm 2008 như sau: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 21,99% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,91%; khu vực dịch vụ chiếm 38,1%.
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2007
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2007 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 8,48% so với năm 2006, đạt kế hoạch đề ra (8,2-8,5%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,41% (kế hoạch 3,5-3,8%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,6% đạt kế hoạch đề ra (10,5-10,7%); khu vực dịch vụ tăng 8,68% vượt kế hoạch đề ra (8,0-8,5%). Tăng trưởng kinh tế năm 2007 của nước ta đứng vào hàng các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực (Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á-ADB thì năm 2007 kinh tế Trung Quốc tăng 11,2%; Việt Nam tăng 8,3%; Xin-ga-po tăng 7,5%; Phi-li-pin tăng 6,6%; In-đô-nê-xi-a tăng 6,2%; Ma-lai-xi-a tăng 5,6%; Thái Lan tăng 4%).
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2006
Tổng sản phẩm trong nước GDP của Việt Nam năm 2006 theo giá so sánh ước tính tăng 8,17% so với cùng kỳ năm 2005, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,37%; khu vực dịch vụ tăng 8,29%. Trong 8,17% tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,67 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 4,16 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ đóng góp 3,34 điểm phần trăm.
Các năm trước đó mời quý độc giả xem trên biểu đồ phía trên. Số liệu từ năm 2005 trở về trước được DoanhNhanBacNinh lấy từ nguồn Quỹ tiền tệ Quốc tế nên có thể hơi khác một chút so với số liệu của Việt Nam.
tổng hợp bởi Trịnh Nguyễn