3 Cách để tăng lương nhân viên, cực dễ mà khó không tưởng
Câu hỏi muôn thuở: Tại sao cty ko tăng lương cho tôi?
Đây là một câu hỏi chẳng thú vị chút nào nhưng cũng là câu hỏi phổ biến mà các bạn đang đi làm thường đặt ra, một cách công khai hoặc bên lề khi trà đá bia hơi với các đồng nghiệp. Hãy cùng tản mạn một chút về vấn đề này (dưới góc nhìn của cá nhân mình) nhe. Đúng đúng sai sai mỗi người một cách hiểu :D.
Diễn giải thực trạng:
Ví dụ: một phòng kinh doanh có 10 người. Trong đó:
– 2 người làm việc xuất sắc (gà đẻ trứng vàng cho cty)
– 5 người làm trung bình đạt mức yêu cầu.
– 3 người làm kém dưới yêu cầu.
Giả xử quỹ lương tổng cả phòng đang là 100 triệu/tháng (tức tính trung bình thì 10tr/người). Trong đó người xuất sắc được trả 14 triệu/tháng (14tr x2 người = 28tr), người trung bình đang được trả 10tr/tháng (10tr x5 người = 50tr), người làm kém đang được trả 7,3tr/tháng (7,3tr x3 người =~22tr). Để tăng lương và khuyến kích tăng hiệu quả thì phải làm thế nào?
Giải pháp tăng lương:
Cách 01:
Tất cả các nhân viên cùng phấn đấu nhiều hơn để mang về nhiều doanh thu và lợi nhuận hơn. Khi đó mặc nhiên quỹ lương sẽ tăng và mọi người được tăng thu nhập (cty nào làm ăn tốt mà ko tăng lương thì cũng nên bỏ 😀). Tuy nhiên việc này không đơn giản, một là cần sự phấn đấu cao hơn của mỗi người, cần các giải pháp và cách làm mới, sự hỗ trợ của thị trường theo hướng tích cực…và nhiều yếu tố khác nữa.
Đây là điều mà công ty nào cũng mong muốn. Khẩu hiệu đưa ra sẽ đại loại như: “Chúng ta hiện chưa phát huy hết khả năng của mình, thiếu tính chiến đấu, chỉ cần nỗ lực nhiều hơn chắc chắn sẽ tăng hiệu quả thấy rõ. Bớt thời gian lãng phí mạng xã hội để dành nhiều hơn cho công việc, không ngừng tìm kiếm thêm khách hàng, có khách đến thì chỉn chu hơn để phục vụ cho tốt…”
Tuy nhiên cách này thực tế rất khó, vì nếu dễ thì đa phần các cty đã làm rồi còn cần gì phải bàn. Nhất là với những nhân viên kém về hiệu quả thì thường họ cũng yếu về kỹ năng làm việc và kém cả ý chí phấn đấu nữa. Để thay đổi được họ là rất khó. Còn các nhân viên trung bình và giỏi thì họ cũng thường không thích những lời hứa suông (sẽ tăng lương khi doanh thu lợi nhuận tăng). Cái họ cần là nhìn thấy một chính sách tăng lương rõ ràng để sẵn sàng “bơm” động lực mạnh hơn.
Trong khi mà kết quả kinh doanh cứ như hiện tại thì không thể tăng quỹ lương được. Nhưng vẫn có cách khác:
Cách 02:
Loại bỏ 3 người kém. Tiết kiệm được 22 triệu, dùng để phân bổ cho người làm xuất sắc và khá. Theo đó người xuất sắc được tăng lương từ 14 lên 18tr/tháng – chà, bắt đầu hấp dẫn hơn rồi đây. Trong nhóm 5 người đang có kết quả trung bình khi thấy mức lương của nhóm trên chắc cũng nổi máu, giả xử có 1 người phấn đấu tăng lên mức xuất sắc (tổng nhóm này giờ là 3 người x18tr = 54tr). Có 2 người từ trung bình sẽ phấn đấu lên mức Khá (thêm cấp mới này để cho nhân viên dễ phấn đấu đạt được hơn, làm bước đệm tiến lên xuất sắc). Người đạt mức Khá được tăng lương từ 10 lên 13 triệu/tháng (13tr x 2 người = 26tr). 2 người còn lại vẫn ở mức trung bình, nhận lương như cũ là 10tr/tháng (10 x 2 = 20tr).
Như vậy là dù quỹ lương không tăng nhưng những nhân viên làm tốt đã được tăng lương vượt bậc, giữa các bậc lương cũng bắt đầu vênh nhiều hơn, tạo ra một sự cố gắng không nhỏ cho nhân viên để nâng hạng. Người làm trung bình và kém thì bắt đầu thấy bị áp lực ngay sau ‘mông’ mình, không thể bình chân như vại chấp nhận lương kiểu đủ sống như trước được nữa.
Việc của 3 người kém lúc này sẽ dồn sang/thực tế là những người còn lại phấn đấu nhiều hơn một chút đã có thể hoàn thành. Theo kinh nghiệm quản lý của mình thì người làm giỏi chỉ cố gắng thêm một chút, nói vui là làm thêm, đã bằng người kém làm cả ngày. Nhất là khi người giỏi biết chắc chắn sẽ nhận được mức đãi ngộ vượt bậc từ sự cố gắng thêm này thì họ sẽ làm kiểu “hết giờ không hết việc”. Trong một tổ chức thì người làm giỏi đang phải gồng gánh cho người làm tệ, bị san sẻ mất thu nhập của chính mình.
Cách 03:
Ở cách 2 bên trên thì việc cắt giảm cả 3 nhân viên kém sẽ khá cực đoan. Vì trong số đó có thể có người đang rất muốn phấn đấu, người đang dần dần quen việc cần có thời gian chạy đà, người có vai trò tinh thần tốt, người trung thành cần xem xét… Vả lại, trong 1 tổ chức thật khó để duy trì toàn người làm tốt.
Vậy nên, với người kém thì cho họ thêm 1-2 tháng để làm mốc phấn đấu, nếu vẫn còn kém thì sẽ bị loại bỏ hoặc cắt giảm lương. Ví dụ, từ 7tr3 xuống còn 5-6tr/tháng, mức chỉ đủ sống trong lúc cố gắng phấn đấu trở lại hoặc tìm việc mới phù hợp hơn với mình. Mặt khác, để tạo sự phấn đấu mạnh hơn trong nhân viên thì cần có mức lương với độ chênh lệch đủ mạnh để tạo động lực. Theo đó có thể tiếp tục giảm lương người làm trung bình từ 10tr xuống còn 8-9tr/tháng (ví dụ vậy). Lấy 2 phần cắt/giảm trên làm quỹ lương để tăng cho các nhân viên làm giỏi và làm khá.
Ở giải pháp 2 và 3 bên trên đều dựa trên sự cắt bỏ hoặc cắt giảm từ người làm kém để làm “quỹ tăng lương” cho người làm khá và tốt. Tạo mức chênh lệch thu nhập lớn để làm cơ sở tạo động lực. Tuy nhiên công ty cần thực hiện thêm các bước đệm, ví dụ như thường xuyên tuyển người mới để phát hiện các nhân tố tốt kịp thời bổ sung vào các vị trí cho thôi việc. Việc tạo động lực cho nhân viên thì cũng không chỉ có mỗi ‘chiêu’ tăng lương, mà cần tạo ra môi trường tốt, có tính cạnh tranh, sự thân thiện hòa đồng, chính sách đào tạo và định hướng…
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi “tại sao công ty không tăng lương cho tôi?” là: Một mặt bạn phải cố gắng phấn đấu lên thành người giỏi để được tăng lương, chưa giỏi thì đừng đòi hỏi. Thứ nữa, nhà quản lý phải mạnh tay loại bỏ các gánh nặng ra khỏi tổ chức để cắt giảm chi phí và có những chính sách đúng đắn để tạo động lực ngoài lương và thưởng.
Trên đây là vài dòng tản mạn vui trong lúc cafe sáng của Trịnh Nguyễn, chẳng phải công trình nghiên cứu hay phát hiện gì mới mẻ cả. Đúng đúng sai sai chỉ là tương đối, nhất là khi ngoài tính khoa học thì “quản trị kinh doanh cũng là một nghệ thuật”, cái chữ nghệ thuật có thể hiểu là…hay hay dở tùy góc nhìn mỗi người.
Các con số đưa ra trong bài chỉ là giả định, giải pháp đứng trên góc nhìn giải quyết bài toán tăng lương dựa trên tình hình thực tại. Mục đích lâu dài của tổ chức cần hướng tới là phát triển nhanh và bền vững, thay vì chỉ đứng im với một quỹ lương giả định như trên. Khi ta đứng im tức là ta đang thụt lùi.
Chúc bạn đọc vui vẻ!