trinhj.com

Blog cá nhân của Trịnh Nguyễn

nCoV – Doanh nghiệp nhỏ ngấm đòn và “cơ hội cho kẻ giàu”

“Trên tuyến đường từ nhà đến cơ quan sáng nay đếm được gần 10 biển cho thuê cửa hàng. Doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vốn đã ở thế yếu nay lại càng yếu hơn vì một thứ không liên quan trực tiếp đến cạnh tranh thương trường. Đó là…corona. Thứ sẽ làm cho nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ chết lâm sàng hoặc chết hẳn, doanh nghiệp lớn được ví như những con “cá lớn” cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng chúng sẽ sống sót và có một cơ hội lớn sau đó”.


Đầu tháng 3/2020, khi mà dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống ở Trung Quốc – nơi khởi phát của chúng. Thì những nước khác trên thế giới tiếp tục điền tên mình vào danh sách “đỏ” các nước có người lây nhiễm. Với những “điểm đen” nổi bật là Hàn Quốc, Iran và Italia. Thời điểm ngày 4/3 Việt Nam đã ghi nhận hơn 20 ngày không phát sinh ca nhiễm, người dân bắt đầu có cảm giác an tâm hơn khi đi làm, đi chơi và chuẩn bị lịch cho trẻ em được đến trường.

Mọi thứ gần trở lại…thì giông tố lại nổi lên và còn có vẻ mạnh hơn trước

Là chủ một doanh nghiệp thuộc hàng ‘siêu nhỏ’, Trịnh Nguyễn đang hy vọng vào những ngày công việc và cuộc sống trở lại bình thường. Bởi suốt từ tết Nguyên đán đến nay là một bầu không khí ảm đạm. Trẻ em không được đến trường dẫn đến sự xáo trộn sinh hoạt của bao gia đình. Học sinh sinh viên đa phần vẫn nghỉ ở nhà hoặc học online một cách cầm chừng. Người lao động chỗ đi làm chỗ nghỉ. Khách hàng đến các cửa hàng của công ty từ đó cũng giảm rõ rệt với tâm lý e ngại.

Mấy ngày đầu tháng 3 này là những ngày của hy vọng trở lại. Đường xá đã bắt đầu đông người hơn thời điểm trước. Mọi người bắt đầu các hoạt động sinh hoạt với sự tự tin và thoải mái nhiều hơn. Khách vào các cửa hàng cũng có xu hướng tăng lên đáng kể. Bản thân Trinhj cũng đã lên các kế hoạch tiếp xúc với các đối tác để chuẩn bị nhập máy móc cho dự án sản xuất mới của công ty…

Nhưng hy vọng về những ngày tươi đẹp lại bị phủ một bóng đen mang tên “bệnh nhân thứ 17”.

Chỉ trong 3 ngày tính từ 5-8/3 Việt Nam liên tục nâng con số người bị nhiểm lên thành 8 người mới. Bên cạnh đó là cả ngàn người đã tiếp xúc gần đang bị cách ly hoặc tệ hơn là đang phải lên danh sách để đi…tìm kiếm họ ở đâu để cách ly. Xét về khoảng cách địa lý thì “bệnh nhân thứ 17” ở khá xa, nhưng đến chiều ngày 8/3 thì đã có nhiều người ngay cạnh tòa nhà Trinhj ở nằm trong danh sách tiếp xúc gần. Vậy là dịch đã không còn xa cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Các siêu thị cửa hàng ở Hà Nội đều…hết mỳ tôm rồi. Người dân không ai bảo ai tự đi mua về tích trữ. Đường xá sáng ngày 8/3 lại vắng vẻ hơn. 80% tin tức mà mọi người đọc và bàn luận với nhau là về “em Cô Vy”. Các cửa hàng của Trinhj vẫn mở nhưng lượng khách là gần như không có, thi thoảng có khách gọi hàng giao tận nhà chứ họ cũng chẳng muốn đi ra ngoài nữa.

Liệu dịch bệnh này sẽ đi đến đâu ở Việt Nam?

Chịu! Nhiều người hoang mang thì nói sắp loạn rồi, người điềm tĩnh thì nói sẽ sớm khống chế được thôi. Với góc nhìn của Trinhj thì cũng là sự đấu tranh của 2 luồng: suy nghĩ và linh cảm.

Ngay những ngày mùng 3-4 tết âm lịch khi theo dõi chặt chẽ các tin về dịch bệnh bên Trung Quốc thì Trinhj đã có một giấc mơ đáng sợ. Dịch đến từ mọi phía, lây từ người này qua người kia, nơi nào cũng có. Những ngôi làng biến thành vùng cô lập để tự bảo vệ mình theo kiểu nội bất xuất ngoại bất nhập. Phong cảnh trong giấc mơ như ngày tận thế vậy.

Đó chỉ là trong một giấc mơ của người “cơm no rượu say” thôi. Còn nếu suy nghĩ một cách khách quan thì không thể có chuyện đó. Vì khi nghĩ thì chúng ta đang thức, tức là phải tỉnh táo và có sự đánh giá khách quan, tức là có cá tốt và tệ. Vậy thì hãy cũng sâu chuỗi vài điểm sau đây:

  • Thứ nhất là chưa có thuốc chữa, cũng còn lâu mới có vắc xin. Đây có lẽ là một điểm không tốt lành gì vào thời điểm này. Khi mà dịch bệnh đã xuất hiện từ cuối năm 2019 (vậy nên nó mới có cái tên là Covid-19). Tức là đến giờ đã hơn 3 tháng rồi mà cả triệu nhà khoa học, y học, dược học…vẫn đang loay hoay. Nơi thì thử nghiệm thuốc chữa Sars, nơi thì dùng cả thuốc chữa HIV, đa phần các nơi vẫn là chữa theo triệu chứng… Tức là vẫn đang chưa có gì để làm vũ khí tốt chống lại virut corona này cả. Điều này thật đáng lo chứ nhỉ? Tuy nhiên cũng có điểm lạc quan ở vấn đề này, đó là rất nhiều người đã được chữa khỏi, bằng cách này hay cách khác. 16 người dương tính trước đó ở Việt Nam ta đều đã được chữa khỏi. Dù chưa có thuốc đặc trị nhưng Bộ y tế cũng đã có và liên tục hoàn thiện phác đồ điều trị của mình. Hy vọng là sẽ nhanh có “vũ khí” đủ mạnh để chặn đứng được dịch bệnh này.
  • Hai là, các nước tiên tiến và giàu có cũng…vỡ trận. Bắt đầu từ Trung Quốc, ờ thì cứ nói họ chủ quan và bỏ lỡ giai đoạn vàng đi. Nhưng rồi sao? Dịch vẫn nan tràn khắp nơi khắp nước họ với hơn 10.000 người nhiễm và khoảng 3.000 người thiệt mạng. Thành phố Vũ Hán đã từng được ví như “ngày tận thế” vậy. Cái cụm từ “ngày tận thế” này lại tiếp tục được dùng lại ở Deagu ở Hàn Quốc, rồi Lombardy của Italia, IRAN, một số nơi ở Mỹ… Có cảm giác là khi “em Cô Vy” đi đến đâu thì ở đó đều nhanh chóng “thất thủ” vậy. Dù là nước đang phát triển hay những nước giàu có với tiềm lực kinh tế, y học phát triển cao. Điều này thật đáng lo ngại chứ nhỉ?
  • Ba là tốc độ lây nan kinh khủng và luôn bắt chúng ta đuổi theo, khi đuổi được thì đã muộn. Hãy nhìn lại “bệnh nhân thứ 17” để phân tích một chút. Khi cô này đi du lịch ở nước ngoài và lên máy bay về nước, hẳn là chưa có biểu hiện gì cả để mà mọi người đi cùng phòng tránh hay hay cơ quan sân bay cách ly. Như vậy ngay trên chuyến bay cô ấy đã tiếp xúc với vài chục người ngồi gần và cả trăm người trên cùng chuyến bay. Rồi hành trình di chuyển từ sân bay về nhà, tiếp xúc người ở nhà, tiếp xúc người khi đi ra ngoài tham gia các hoạt động… Cho đến khi cô ấy đi khám tại BV Hồng Ngọc thì mọi chuyện đã “muộn một bước dài” rồi. Người cô ấy tiếp xúc trên máy bay, lái xe, người nhà…đã có người dương tính. Và quy trình lại tiếp tục chậm và đuổi, bởi những người này đã tiếp xúc với nhiều người khác nữa trước khi có biểu hiện rõ ràng để cho đi cách ly. Những trường hợp dính viruts khác đều tương tự như vậy, tức là khi phát hiện ra nhiễm bệnh thì trước đó đã tiếp xúc với quá nhiều người. Việc truy ngược về quá khứ để cách ly những người đã tiếp xúc…là một cuộc rượt đuổi vô cùng khó khăn. Có thể nói vui là chẳng biết đâu mà tránh, không biết địch tấn công từ hướng nào mà phòng.
  • Chỉ còn biết tin ở sự quyết liệt của nhà nước và ý chí, sự tự giác của mỗi người dân. Nhà nước ta đang là điểm đáng mừng lớn để có thể tin tưởng dựa vào lúc này. Sự quyết liệt từ trên xuống dưới, hoạt động bài bản, công khai thông tin không dấu diếm…cả hệ thống chính trị đang vào cuộc. Trong lúc này người dân chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh và tuân thủ theo các chỉ đạo từ chính quyền. Chỉ có sự đồng lòng từ trên xuống dưới mới giúp đẩy lùi Covid-19.

Dịch bệnh sẽ đi tới đâu và dừng ở đâu? Chúng ta sẽ có câu trả lời trong thời gian tới. Tuy nhiên mối bận tâm của chúng ta không chỉ có chống dịch, mà còn là đảm bảo cuộc sống trong và sau dịch nữa. Trong lúc này tôi lại nghĩ về chuyện của các doanh nghiệp, có một điều mà tôi muốn chia sẻ dựa trên góc nhìn của mình.

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ dính đòn nặng, những kẻ lớn sẽ có một cơ hội lớn đến từ “em Cô Vy”

Chẳng phải vì có dịch thì doanh nghiệp nhỏ mới khó khăn. Điều này vẫn diễn ra thường ngày như một quy luật của cạnh tranh, cá lớn nuốt cá bé. Những năm gần đây chúng ta dễ dàng chứng kiến và có nhiều ví dụ điển hình cho điều này rồi. Từ khi có “Thế giới di động” thì các cửa hàng điện thoại nhỏ gần như hết đất sống. Có “Điện máy xanh” thì chẳng còn thấy các cửa hàng bán tivi tủ lạnh nhỏ lẻ, cửa hàng sửa chữa điện tử hộ gia đình ở đâu cả. Vinsmart+ mọc lên khắp mọi ngả đường dần thay thế các cửa hàng tạp hóa ở thành phố. Grab loại bỏ nghề xe ôm tự do. Tiki, Sendo, Ladada…thay thế và đập tan cả ngàn website bán hàng nhỏ lẻ trên internet… Đó là quy luật của cạnh tranh!

Nhưng encovi sẽ như một liều thuốc độc làm cho quá trình này diễn ra nhanh hơn…một chút nữa.

Trên tuyến đường từ nhà đến cơ quan sáng nay tôi đếm được gần 10 biển cho thuê cửa hàng. Điều này chưa từng có tiền lệ. Doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vốn đã ở thế yếu trong cạnh tranh nay lại càng yếu hơn vì một thứ không liên quan trực tiếp đến cạnh tranh thương trường. Đó là…corona. Thứ sẽ làm cho nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ chết lâm sàng hoặc chết hẳn, doanh nghiệp lớn được ví như những con “cá lớn” cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng chúng sẽ sống sót và có một cơ hội lớn sau đó.

Dịch bệnh đang diễn ra mạnh nên nhu cầu đi lại mua sắm giảm hẳn. Nếu như không nói là “vắng tanh như chùa Bà Đanh”. Khách hàng không có nghĩa là không có nguồn thu. Vậy nhưng các chi phí cố định và cả một số chi phí lưu động gần như vẫn giữ nguyên:

  • Chi phí mặt bằng kinh doanh gần như không giảm. Có chăng chỉ là giảm giá cho thuê mới thôi.
  • Chi phí trả lương nhân viên gần như không giảm. Có chăng chỉ là giảm một chút với nhân viên sale ăn lương theo doanh thu, nhưng để người lao động nhận lương thấp quá không đủ sống thì cũng không đành lòng.
  • Các chi phí khấu hao, duy trì hệ thống, điện nước…vẫn gần như bình thường.
  • Chi phí lãi vay, thuế, bảo hiểm…vẫn gần như cũ, trừ mỗi thuế VAT vì đầu ra và đầu vào đều sụt giảm.

Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể đang tự bào mòn chính túi tiền và những gì đã tích lũy được trước đó. Nhưng cũng chẳng có nhiều để mà duy trì mãi như vậy được. Ngay cả nếu có tồn tại qua đợt bão dịch này thì họ cũng đã quá yếu và lấy gì để tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh? Nói gì đến cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn đang mở rộng “vòi bạch tuộc” ra sâm lấn mọi nơi.

Vừa rồi Chính phủ đưa ra gói tín dụng 250.000 tỷ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.

Nhưng vấn đề là gói cứu trợ này gần như chẳng có tác dụng gì với doanh nghiệp siêu nhỏ cả. Vốn dĩ doanh nghiệp nhỏ trước giờ đâu có được tiếp cận vốn vay ngân hàng, khi “khỏe” còn chẳng đủ điều kiện thì nói gì lúc “ốm gần chết” lại được vay. Hộ trợ lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí, cơ cấu thời hạn trả nợ…vì thế cũng là vô nghĩa. (Đây là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, một người trong cuộc).

Vậy gói tín dụng này sẽ đi đâu và đến với các doanh nghiệp nào? Tất nhiên nó là dành để “hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng” rồi. Nhưng hãy trờ xem thời gian sau sẽ rõ. Trước tiên thì các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải tự cứu lấy mình trước đã.

Chưa cần xét đến gói hỗ trợ ở trên, hãy phân tích dựa trên nội tại của các doanh nghiệp. Sau đợt bão dịch càn quét này hẳn sẽ có nhiều hoặc…rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể bị bật bãi. Các doanh nghiệp lớn với tiềm lực vốn nội tại lớn sẽ có cơ hội cao hơn để sống sót qua dịch. Khi dịch bệnh qua đi cuộc sống người dân sẽ dần trở lại bình thường, nhu cầu mua sắm sẽ dần trở lại. Thời điểm đó khi mà nguồn cung đã giảm (nhiều doanh nghiệp yếu bật bãi) thì đó là cơ hội cho các doanh nghiệp “khỏe” còn sót lại trên thị trường. Họ đã bớt đi nhiều đối thủ cạnh tranh, họ cũng chỉ phải đối phó với các đối thủ rệu rã và hết tiềm lực để tái thiết. Cuộc chơi là khá dễ dàng với các ông lớn!

Vấn đề là phải sống sót đã, sau đó là tìm cách để tái đầu tư.

Dự định của Trinhj trong năm nay là đầu tư hết khả năng, có tính đến chơi liều để “làm được cái gì đó”. Sự chuẩn bị đã diễn ra từ năm trước và tương đối chu đáo. Nếu không có dịch bệnh này thì mọi thứ đã được xúc tiến rồi. Tuy nhiên giờ tình hình còn rất phức tạp, bởi vậy trước tiên cần phải co mình lại, thắt lưng buộc bụng để vượt qua. Dù khó khăn đến mấy cũng không được đụng vào những thứ đã “dành sẵn”. Chỉ có như vậy thì khi qua thời điểm khó khăn này mới có cái để mà tái thiết và mở rộng, để vẫn còn là một “tay chơi” trên con đường thương trường mà mình đã hoạch định.

Mọi thứ sẽ sớm tốt đẹp trở lại thôi!

*tản mạn giữa mùa dịch*